Đau cứng lưng, tê tay chân, coi chừng vôi hóa cột sống
Cột sống bị vôi hóa là hiện tượng các dây chằng bám vào thân đốt sống hoặc mấu ngang của cột sống bị tích tụ canxi. Điều này làm cho cột sống dần mất đi cấu trúc và chức năng bình thường, gây ra nhiều sự bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
BS.CKI Lê Anh Khánh, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, ở giai đoạn đầu, vôi hóa cột sống thường không có triệu chứng cụ thể. Bệnh sẽ tiến triển âm thầm, làm suy giảm dần chức năng của các đốt sống. Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau tại vùng lưng, khó cử động, đau cứng khớp hoặc tê bì tay chân.
Các triệu chứng đặc trưng của vôi hóa cột sống:
Đau cột sống
Những cơn đau có thể kéo dài 10 - 14 ngày. Lúc này, tủy sống và thần kinh ở vùng cột sống bị chèn ép, gây đau và suy giảm chức năng, làm cho các hoạt động hàng ngày của người bệnh trở nên khó khăn hơn.
Cơn đau thường xuất hiện đồng thời với các triệu chứng như căng cứng ở vùng lưng thấp, hạn chế phạm vi chuyển động, co thắt cơ khi hoạt động, không thể đi nhón gót, không thể duy trì tư thế đứng thẳng hoặc các tư thế dồn nhiều trọng lượng cơ thể vào lưng và chân...
Rối loạn cảm giác
Tình trạng này xảy ra khi cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh hoặc đĩa đệm bị tổn thương do cột sống bị vôi hóa. Từ đó gây ra những chấn thương và rối loạn ở hệ thống cơ xương khớp. Rối loạn cảm giác sẽ tạo ra những vấn đề như tê bì tay chân, nóng rát lòng bàn tay và bàn chân, hội chứng căng cổ, viêm gân, viêm biểu mô, bong gân dây chằng, thoái hóa hoặc biến dạng đĩa đệm, teo cơ...
Ngoài ra, vôi hóa cột sống cũng có thể gây ra những triệu chứng như biến dạng cột sống, chấn thương dây thần kinh, mất cảm giác ở vùng lưng, rối loạn chức năng tình dục...
Người có cột sống bị vôi hóa, nếu không phải là biến chứng của những bệnh lý mạn tính khác, có thể điều trị bằng tập luyện và vật lý trị liệu. Mục tiêu điều trị tập trung vào phục hồi và cải thiện tính linh hoạt của cột sống bằng các bài tập phù hợp. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số loại thuốc phù hợp để cải thiện triệu chứng đau.
Những phương pháp điều trị vôi hóa cột sống thường được áp dụng là: điều chỉnh và giữ tư thế đúng trong mọi hoạt động, đặc biệt là lúc ngồi dậy sau khi ngủ, tư thế ngồi, tư thế đứng; nằm ngửa để giảm áp lực lên cột sống, hạn chế tình trạng cong cột sống; nghỉ ngơi đầy đủ để cột sống có thời gian phục hồi; thực hiện những bài tập hỗ trợ điều chỉnh và tăng cường sức khỏe lưng, cột sống... Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi tiêm ngoài màng cứng để cải thiện tình trạng tổn thương và phục hồi chức năng cột sống.
Đối với những trường hợp không đáp ứng được với điều trị nội khoa và tiêm ngoài màng cứng, hoặc khi các triệu chứng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, gây rối loạn chức năng ruột, bàng quang, sức khỏe tay chân, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cột sống.
Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, cột sống có chức năng bảo vệ tủy sống, rễ thần kinh và các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Đây cũng là cơ quan cung cấp sự linh hoạt cho chuyển động, hỗ trợ cấu trúc và cân bằng tư thế thẳng cho người. Do đó, người bệnh nên sớm gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu vôi hóa cột sống để kịp thời điều trị và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm như gù vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp tủy sống, chèn ép rễ thần kinh, rối loạn tiền đình...